Năm 2021 Quảng Bình sẽ nỗ lực vượt khó vươn lên, trước mắt là tập trung các nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa tranh thủ các cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cổng TTĐT Chính phủ đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng về những định hướng của tỉnh trong năm 2021.

Ông Trần Thắng cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm ngưng trệ tất cả các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, trong tháng 10, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 đợt mưa lũ liên tiếp, đặc biệt đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16 đến 20/10 gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, các địa phương lưu vực sông Gianh, sông Son. Ước tính tổng giá trị thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra hơn 3.500 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn chồng khó khăn đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của Trung ương. Nhờ vậy, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt, Quảng Bình không có trường hợp dương tính với COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dù chỉ đạt 2,63%, thấp hơn so kế hoạch, nhưng vẫn ở mức tăng trưởng dương trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế. Có 12/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch.

Một số dự án công nghiệp lớn trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch, Cụm trang trại điện gió B&T được khởi công trong điều kiện nhiều khó khăn, cho thấy quyết tâm cao của tỉnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo và chỉ đạo thực hiện; tình hình an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Đặc biệt, trong các đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10 năm ngoái, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống và khắc phục hậu quả đã được triển khai rất đồng bộ, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, nhờ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Tình hình sản xuất và đời sống của người dân tại vùng thiên tai sớm được ổn định. Điều đáng trân trọng là trong thiên tai, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân được phát huy. Đó là truyền thống, là sức mạnh giúp cho người dân Quảng Bình vượt qua trận “đại hồng thủy” vừa qua.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thăm hỏi, động viên gia đình có công với cách mạng nhân dịp xuân về. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Về những mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, ông Trần Thắng cho biết, Quảng Bình xác định ưu tiên tập trung  cụ thể hóa và triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là 4 khâu đột phá thông qua 4 Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII.

Trong đó, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên là tập trung các nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2020. Đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa tranh thủ các cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, Quảng Bình sẽ tổ chức, triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, vận động các doanh nghiệp triển khai các chương trình kích cầu, giảm giá các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh với mức giá ưu đãi. Tỉnh cũng đẩy mạnh các chương trình quảng bá du lịch Quảng Bình; xây dựng và triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa; phát triển sản phẩm du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng mùa đông nhằm giảm ảnh hưởng của tính thời vụ.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm phát triển du lịch, chú trọng du lịch gắn với cộng đồng kết hợp phát huy nét đặc trưng của các làng nghề truyền thống, nét văn hóa của các dân tộc... Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan, giữ gìn trật tự, văn hóa tại các điểm du lịch. Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về văn hóa ứng xử trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ giải trí phục vụ khách du lịch. Tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, mở rộng không gian và thị trường để thu hút khách du lịch.

Quảng Bình cũng sẽ tổ chức các chương trình, tuần lễ văn hóa nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách như lễ hội hang động, chương trình đếm ngược, lễ hội cá trắm sông Son tại thị trấn Phong Nha, tuần văn hóa-du lịch thành phố Đồng Hới… phấn đấu số lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 5 triệu lượt.

Bộ đội giúp dân sửa chữa nhà cửa sau bão lũ. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Trần Thắng cũng cho biết, để góp phần ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và giáp hạt 2021, đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết an toàn, lành mạnh, vui vẻ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói, nhất là các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng nặng do thiên tai. 

Tỉnh cũng chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực để thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, vận động các tổ chức, cá nhân và bố trí ngân sách địa phương chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện kịp thời việc chi trả trợ cấp cho đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định; rà soát đối tượng lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn, nắm số lượng, quê quán, hoàn cảnh để thông báo cho gia đình, chính quyền địa phương nơi cư trú biết và tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để các đối tượng trở về quê đón Tết...

Theo Lưu Hương

chinhphu.vn

 

Lượt xem: 625

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1925 người đã bình chọn
      Thống kê: 36.287
      Online: 86