Ngày 24/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 6/CĐ-UBND, điện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh; Ban chỉ đạo 389 tỉnh; Các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Cảng vụ Hàng hải; UBND các huyện, thành phố, thị xã. Nội dung Công điện cụ thể như sau:

Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò đã được các cấp, các ngành, các địa phương và người chăn nuôi tích cực triển khai đồng bộ giải pháp phòng chống, từng bước khống chế các ổ dịch. Tuy nhiên, do đường lây truyền dịch bệnh phức tạp, khó quản lý nên dịch bệnh VDNC trên trâu bò vẫn phát sinh, gây bệnh trên địa bàn, nhất là ở những địa phương không quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp, tiến độ chậm, thả rong trâu bò.

Để tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, kịp thời, nhanh chóng, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi; thực hiện Công điện số 631/CĐ-TTg ngày 17/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn trong công tác phòng chống dịch bệnh VDNC, tập trung vào các nội dung sau:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC theo quy định của pháp luật về thú y và hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế phát sinh và lây lan, kéo dài; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trên địa bàn.

- Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng khẩn cấp, đăng ký bổ sung vắc xin theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1665/VPUBND-KT ngày 13/5/2021.

- Phát hiện sớm, kịp thời và xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, hạn chế lây lan diện rộng; hướng dẫn, yêu cầu người chăn nuôi trâu bò tuân thủ và tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; thực hiện các giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng truyền bệnh.

- Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, bị bệnh, nghi mắc bệnh; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò.

- Kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ trâu, bò, không sử dụng sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

- Tích cực chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống bệnh VDNC tại cơ sở.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh ở các địa phương; tiếp tục hướng dẫn các địa phương đang có dịch bệnh Viêm da nổi cục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.

- Chỉ đạo Chốt kiểm soát dịch bệnh động vật phía Bắc tỉnh Quảng Bình tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua và vào địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC.

- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc, các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ trâu, bò, lợn chết, bị bệnh, nghi mắc bệnh.

3. Sở Y tế quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng trừ ruồi, muỗi trong khu dân cư vừa ngăn ngừa dịch bệnh trên người vừa góp phần lây lan bệnh Viêm da nổi cục.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thanh cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành.

5. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải theo chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tổ chức điều tra, đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

6. Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh động vật, đồng thời báo cáo Trung ương hỗ trợ kinh phí theo quy định.

7. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh; căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống có hiệu quả.

8. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan và các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

Yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện.

Theo quangbinh.gov.vn

 

Lượt xem: 1829

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1925 người đã bình chọn
      Thống kê: 34.974
      Online: 41