Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa chiến lược quan trọng, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện gắn với nhu cầu thực tế ở các địa phương. Nhờ vậy, số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có việc làm và thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề tăng lên rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giảm nghèo bền vững.

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Phúc ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy chủ yếu làm nông và chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí bị thiệt hại lớn. Năm 2019, bà Phúc cùng nhiều hộ gia đình trong xã đã đăng ký tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi thú y do xã phối hợp với Trường Cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình tổ chức. Sau 3 tháng đào tạo, bà Phúc đã được cấp chứng chỉ nghề và được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc chăn nuôi của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Phúc chia sẻ: "Sau khi học được các kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi, tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, vừa xây dựng mô hình lúa cá, vừa đầu tư chăn nuôi hơn 1.500 con vịt, đưa lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho gia đình. Thấy được hiệu quả nên bà con ở đây ai cũng đăng ký để tham gia các lớp tập huấn".

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn đã được coi trọng. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh chỉ đạt 22%, đến năm 2019 tăng lên 47,5%. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm. Nhiều lao động nông thôn đã tìm được việc làm, có thêm thu nhập; nhiều người đã thành lập được hợp tác xã sản xuất, xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Để có được kết quả này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức đào tạo nghề theo hướng hiện đại, phù hợp và sát với tình hình thực tế và nhu cầu của người lao động ở từng địa phương.

Ngày hội tư vấn giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Thạc sĩ Trương Tấn Huệ, Phó Trưởng khoa Nông Lâm Ngư, Trường Cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình cho biết:"Chúng tôi đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp, ngoài vận dụng các chương trình, giáo án đào tạo, giảng viên tăng cường thời gian thực hành, về tận các cơ sở, trang trại để hướng dẫn học viên, từ đó nâng cao khả năng tiếp thu và chất lượng giảng dạy, đào tạo, đảm bảo học viên học xong chương trình đào tạo sẽ vận dụng ngay vào quá trình sản xuất".

Trường Cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trên địa bàn tỉnh. Trường hiện có 04 ngành, nghề trọng điểm là: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, thú y, vận hành máy thi công nền - cấp độ quốc gia. Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, xây dựng các chương trình, giáo trình theo tiêu chuẩn quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, gắn với đào tạo nguồn nhân lực xuất khẩu lao động, các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển ngành nghề nông nghiệp của từng địa phương và bám sát phương châm mỗi người nông dân tự tìm, tự tạo việc làm theo hướng khởi nghiệp với các hình thức tổ chức sản xuất như hợp tác xã, doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp ở nông thôn. Trong gần 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Trường Cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình đã đào tạo hơn 7.500 học sinh, sinh viên, học viên ở 2 bậc sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Ông Dương Thanh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình cho biết: "Nhà trường sẽ tiếp tục triển khai tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo theo nhu cầu của học viên, đơn đặt hàng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương; nâng cao chất lượng để học viên sau khi đào tạo có thể trực tiếp tham gia ngay vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thường xuyên cập nhật các chương trình đào tạo, kiến thức, thực tiễn từ thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ giáo viên; thường xuyên tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên về các cơ sở sản xuất, nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề trong quá trình giảng dạy thực hành tích hợp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Xem đây là nhiệm vụ trọng yếu của nhà trường, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh nhà".

Có thể nói, thông qua đào tạo nghề, nhiều lao động đã tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, tác phong làm việc công nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động. Những hoạt động nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp trước đây đã từng bước được thay thế bởi các mô hình phát triển kinh tế có quy mô với lực lượng lao động đã qua đào tạo. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt khá, thu nhập cũng được nâng cao. Công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động cũng đã góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương.

Lượt xem: 695

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1925 người đã bình chọn
      Thống kê: 41.317
      Online: 70