Ngày 27/2/1950, trong trận chống càn diễn ra tại thôn Phù Trịch, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, 10 chiến sỹ cảm tử đã hy sinh và 23 chiến binh khác đã ngã xuống bên bờ sông Gianh lịch sử. Và đó là chiến thắng bi tráng bậc nhất trong lịch sử chiến đấu của quân và dân Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở thế kỷ XX.

 

Ông Nguyễn Hoàng – chiến sỹ còn sống cuối cùng từng tham gia trận đánh Phù Trịch.

Ông Nguyễn Hoàng – nguyên chiến sỹ trinh sát của Tiểu đoàn 418 từng tham gia chiến đấu trong trận đánh Phù Trịch. Năm nay đã 90 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, đôi mắt không còn tinh anh, bước chân cũng đã mỏi, nhưng tình cảm đối với những đồng đội đã nằm xuống vẫn vẹn nguyên niềm thương nhớ. Hơn thế nữa, nhớ và tri ân những đồng đội, đó còn là trách nhiệm của người ở lại, bởi trong số những người lính từng tham gia trận đánh đến nay chỉ mình ông còn sống. Lần tìm lại những tấm bia ghi tên đồng đội, ông Hoàng như nhớ lại từng gương mặt cũ đã từng chung chiến hào - những người đã hy sinh tuổi thanh xuân để đổi lấy hòa bình cho Tổ quốc hôm nay. “Tôi ngày đó mới 16 tuổi, nhìn các đồng đội hy sinh mà không thể làm gì. Mới thấy chiến tranh nghiệt ngã quá. Ngày đó, sau khi các đồng đội hy sinh thì đơn vị của chúng tôi lại lên đường, việc xác định tên tuổi, chôn cất do địa phương thực hiện. Có sơ sót, nhưng trong điều kiện của cuộc kháng chiến chống Pháp ngày đó thì cũng không thể trách cứ”, ông Hoàng tâm sự.

Những cái chết đã hóa thành bất tử, hóa thành mây ngàn gió núi. 33 chiến sỹ hy sinh bên bờ sông Phù Trịch ngày trước đều nằm tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Lộc. Trong đó còn có 27 ngôi mộ vẫn chưa biết tên. Họ – những người không sinh cùng ngày, cùng tháng, không cùng quê quán nhưng những tấm bia giờ đây đều chung 1 đơn vị E57 và chung 1 ngày hy sinh: 27/2/1950. Dẫu đất Phù Trịch không phải nơi "chôn nhau cắt rốn" nhưng là nơi các anh đã bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Với các anh, mỗi tấc đất của Tổ quốc đều thân thương, đáng quý, đều xứng đáng để giữ gìn. Và giờ đây, anh linh các anh đã hóa thân vào đất đai, cỏ cây, sông núi của quê hương Quảng Trạch – Ba Đồn anh hùng. Ông Nguyễn Anh Thêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc cho biết: "Thân nhân của các liệt sỹ E57 đã đến đây thắp hương và rất cảm kích trước sự chăm lo chu đáo của UBND xã đối với các mộ phần của liệt sỹ. Các gia đình yên tâm và gửi gắm địa phương chăm lo hương khói hằng năm".

Tượng Đài chiến thắng Phù Trịch - La Hà.

Dọc dài thời gian qua 70 năm lịch sử, bầu trời hôm nay đã xanh màu xanh hòa bình, làng quê nay đã phủ lên sắc màu tươi mới. Chừng ấy thời gian đã đủ để 1 đời người lớn lên và già đi. Thời gian có thể làm đổi thay mọi vật, nhưng lịch sử thì không được phép lãng quên. Bởi nơi đây, trên bến sông này có mồ hôi, máu xương và có cả tuổi xuân của những con người đã ngã xuống để trấn giữ 1 vùng đất.

Tượng đài chiến thắng Phù Trịch - La Hà vẫn sừng sững kiêu hãnh bên bờ sông Gianh. Kiêu hãnh như chính truyền thống cách mạng đấu tranh của quân và dân Quảng Lộc. Và còn đó một dòng sông Gianh hiền hòa và mạnh mẽ, là dòng sữa mẹ luôn bồi đắp tình yêu quê hương, bồi đắp tinh thần đấu tranh và ý chí vươn lên. Qua thời gian, qua những thăng trầm của lịch sử, tinh thần ấy sẽ được lớn lên và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Quê hương Quảng Lộc hôm nay.

Bến sông Phù Trịch xưa chỉ còn trong ký ức. Giờ đây, cầu Quảng Hải đã nối đôi bờ sông Gianh, trở thành biểu tượng cho sự phát triển và đổi mới của các xã ven sông vùng Nam của thị xã Ba Đồn. Lặng bước trên cầu Quảng Hải, người cựu chiến binh già dõi theo ánh chiều tà như để nhìn lại quá khứ, ngẫm về lịch sử và cảm nhận được giá trị của hòa bình. Và những ai đã đi qua chiến tranh đều hiểu rằng: chẳng có nền hòa bình nào không được đổi bằng những hy sinh mất mát và không có sự hy sinh nào là vô nghĩa. Giờ đây, người cựu chiến binh già đã có thể mỉm cười và an lòng. Nơi mà ông cùng các đồng đội quyết tử để bảo vệ nay đã khang trang và tươi đẹp. Và sau những làng mạc xanh tươi, sau những công trình kiên cố của vùng nông thôn mới Quảng Lộc là bóng dáng những chiến sỹ của trận đánh Phù Trịch năm xưa – những người đã ngã xuống để giành lấy bình yên cho quê hương hôm nay.

 

Lượt xem: 879

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1925 người đã bình chọn
      Thống kê: 34.153
      Online: 32