Trồng cây gì để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như thời tiết nắng nóng tại Quảng Bình, đó là trăn trở của nhiều nông dân. Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm mô hình dưa lưới, bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét.

Nhận thấy nhu cầu nông sản sạch ngày càng cao, anh Võ Minh Sáng ở tổ dân phố Chính Trực, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn đã cất công đi khắp nơi để tìm hiểu về các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Cây dưa lưới vừa phù hợp với điều kiện khí hậu tại Quảng Bình, vừa không phụ thuộc quá nhiều vào chất đất nên anh Sáng đã mạnh dạn đầu tư 900 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trên diện tích 1.200m2 để trồng 2.500 gốc dưa lưới áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt kỹ thuật cao của Israel.

Đây là vụ thu hoạch đầu tiên sau gần 3 tháng anh Sáng đưa vào trồng thử nghiệm. Giống dưa lưới ở đây chủ yếu nhập khẩu từ Nhật Bản, Israel. Việc trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của địa phương. Trong quá trình cây ra quả, anh Sáng chỉ giữ lại 1 – 2 quả/mỗi cây nhằm hạn chế tiêu hao năng lượng, giúp cây khỏe, cho quả to... Mặc dù là vụ đầu tiên nhưng năng suất mang lại khá cao.

Anh Võ Minh Sángcho biết: “Mặc dù là vụ đầu tiên nhưng các doanh nghiệp đã bao tiêu hết sản phẩm. Tuy nhiên, nhà vườn cũng dành một lượng dưa lưới để phục vụ cho người tiêu dùng trong tỉnh để quảng bá sản phẩm. Sắp tới, tôi tiếp tục mở rộng diện tích loại cây trồng này cũng như đưa nhiều cây trồng mới vào sản xuất”.

Mô hình trồng dưa lưới ở phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới.

Thời điểm này đang chính vụ thu hoạch dưa lưới. Đây là loại cây ngắn ngày, chỉ 60 - 80 ngày trồng và chăm sóc đã cho thu hoạch, một năm có thể trồng được 3 - 4 vụ. Như vậy có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Trung bình, mỗi quả dưa lưới đến thời điểm thu hoạch có trọng lượng 1,5 - 2,5kg. Nhà vườn Hương Trầm ở tổ dân phố 2 Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới đã đưa vào trồng dưa lưới 4 năm nay. Trên diện tích 1.500m2, chị Nguyễn Thị Trầm đã đầu tư 3 nhà màng để trồng dưa lưới, trong đó, có một vườn ươm để gối vụ. Với vùng đất khó canh tác ở đây thì việc chọn trồng dưa lưới trên giá thể bằng phương pháp thủy canh, sử dụng hệ thống châm dinh dưỡng, tưới tự động dựa trên các cảm biến và dựa theo quy trình canh tác. Với phương pháp trồng như vậy vừa đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn, vừa không phụ thuộc vào chất đất và thời tiết.

Chị Nguyễn Thị Trầm cho biết: “Có 2 cách trồng, một là trồng bằng giá thể, hai là trồng trên luống. Ở đây, tôi chọn trồng bằng giá thể vừa không phụ thuộc vào chất đất, vừa đảm bảo đầu ra an toàn. Để quả dưa lưới đảm bảo chất lượng thì yếu tố quan trọng nhất là giống, nó có thể quyết định đến sự thành bại của nhà nông”.

Hiện nay, trên thị trường có 2 loại dưa lưới, gồm dưa lưới ruột vàng và dưa lưới ruột xanh. Tuy nhiên, tại Quảng Bình đa phần là trồng giống dưa lưới ruột vàng. Tùy theo giống dưa lưới mà giá trị thường dao động từ 50 – 90.000 đồng/kg. Dưa lưới chứa trong mình một lượng lớn các chất dinh dưỡng, bao gồm các chất chống oxi hóa và nhiều loại vitamin khác nhau, có tác dụng hữu hiệu cho tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da, hỗ trợ thị lực… Cũng bởi chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mà dưa lưới được đưa vào thực đơn hằng ngày của nhiều gia đình.

Chị Phạm Ánh Tuyết ở phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn chia sẻ: “Quả dưa lưới theo mình tìm hiểu rất tốt cho sức khỏe nên mình thường xuyên mua để cả gia đình ăn. Nhất là trong những ngày hè này ăn dưa lưới rất mát”.

So với nhiều loại trái cây khác thì giá thành của quả dưa lưới tương đối cao, đồng nghĩa với việc đối tượng khách hàng hướng tới của loại trái cây này tương đối hạn chế. Để tiếp cận được với người dân trong tỉnh, nhiều nhà vườn đã đưa dưa lưới vào các siêu thị, các cửa hàng nông sản sạch với giá cả bình ổn. Bên cạnh đó, một số nơi đã xây dựng được chuỗi dưa lưới, từ sản xuất đến tiêu thụ để hạn chế các kênh trung gian và chi phí vận chuyển, từ đó hạ giá thành sản phẩm để có thể tiếp cận đến với nhiều người tiêu dùng.

Lợi nhuận từ mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đem lại khá cao, là tín hiệu đáng mừng trong sản xuất nông nghiệp sạch và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Chính vì vậy, việc nhân rộng những mô hình hiệu quả như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng như trên là việc cần thiết bởi không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô phải tính toán đến đầu ra sản phẩm, bởi đây là mặt hàng rau củ có giá trị cao nhưng thời gian thu hoạch ngắn, chi phí đầu tư lại tương đối lớn. Bên cạnh đó, cần tính đến việc xây dựng thương hiệu dưa lưới của mỗi nhà vườn để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm và tiếp cận được những thị trường khó tính trong tương lai.

Lượt xem: 1082

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1925 người đã bình chọn
      Thống kê: 41.097
      Online: 67