Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách thủ tục hành chính là nội dung trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 diễn ra vào sáng ngày 19/7. Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, công tác CCHC đã được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện với nhiều đổi mới nhằm tạo bước đột phá. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 3.003 nhiệm vụ. Tính đến ngày 21/6, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành đạt tỷ lệ 35%; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành đạt tỷ lệ hơn 46% so với kế hoạch đề ra.

Đối với tỉnh Quảng Bình, xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2023 và đề ra 38 nhiệm vụ, tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước. Theo công bố thông tin tại hội nghị Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06, Quảng Bình đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 15 bậc so với năm 2021). Đến thời điểm này, Quảng Bình cũng là 1 trong 11 địa phương trong cả nước đã triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại phiên họp, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, chỉ rõ các nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác CCHC trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đẩy mạnh CCHC, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn mới. Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu phải tiếp tục thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo “đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển”, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, điều hành công tác CCHC gắn với chuyển đổi số, cắt giảm tối đa các thủ tục, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Tiếp tục bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo trong cải cách thủ tục hành chính, cái gì pháp luật không cấm thì khuyến khích người dân, doanh nghiệp mạnh dạn làm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông về chính sách. Tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm, truyền cảm hứng, tạo động lực cho cả hệ thống chính trị, người dân tham gia vào quá trình CCHC, tất cả cùng chung tay hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra.

 

 

Lượt xem: 218

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1925 người đã bình chọn
      Thống kê: 37.195
      Online: 99